2025-01-15

Hệ điều hành

1. Khái niệm

- Giới thiệu chung

Hệ điều hành (tiếng Anh: Operating System - viết tắt: OS) là một phần mềm dùng để điều hành, quản lý toàn bộ tất cả thành phần (bao gồm cả phần cứng và phần mềm) của thiết bị điện tử.

Có vai trò trung gian trong việc giao tiếp giữa người sử dụng và thiết bị.


- Hệ điều hành dành cho máy tính

Được thiết kế để sử dụng trên những thiết bị như: Máy tính để bàn, laptop,… Đây là hệ điều hành sử dụng GUI.

GUI cho phép bạn sử dụng chuột để nhấp vào mọi thứ trên màn hình hiển thị (bao gồm các biểu tượng , nút, menu,…) và được diễn tả bằng cách kết hợp hình ảnh cùng với văn bản.

GUI của mỗi hệ điều hành có giao diện khác nhau, tuy nhiên các hệ điều hành hiện này hầu hết được thiết kế khá dễ sử dụng và không khác nhau nhiều về nguyên tắc.

- Hệ điều hành dành cho thiết bị di động

Được thiết kế dành cho những thiết bị như: Điện thoại di động, máy tính bảng,… Được thiết kế với nhu cầu giải trí, liên lạc,… nên không có được đầy đủ những tính năng như hệ điều hành dành cho máy tính.

- So sánh hệ điều hành dành cho máy tính và hệ điều hành dành cho thiết bị di động.

Hệ điều hành trên hai nền tảng này cũng có sự khác nhau, nếu như hệ điều hành trên máy tính được sinh ra để đáp ứng thiên về nhu cầu công việc, thì ngược lại thiết bị di dộng sẽ tập trung chủ yếu về việc giải trí, liên lạc,… nhưng hiện nay hầu hết các hệ điều hành đang được cải tiến và hầu như điều có thể đáp ứng toàn bộ các chức năng này.

2. Các loại hệ điều hành phổ biến

- Hệ điều hành dành cho máy tính

Windows

Windows là hệ điều hành thông dụng nhất hiện nay được ra mắt năm 1985 bởi Microsoft. Đã có rất nhiều phiên bản Windows thông dụng như: Windows 7, Windows 8, Windows XP và Windows 10,... góp phần tạo nên một hệ điều hành thống lĩnh thị trường desktop trên toàn thế giới.

Windows định hướng thiên về các laptop văn phòng hay phục vụ các tác vụ giải trí với kho ứng dụng khổng lồ, đi cùng khả năng thích ứng cao với các dòng laptop trên thị trường. Nhờ vậy giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn khi muốn sắm một chiếc máy tính cá nhân.

+ Ưu điểm

Sở hữu kho ứng dụng phong phú là một ưu điểm của hệ điều hành Windows giúp người dùng thoải mái sử dụng các tác vụ phục vụ trong môi trường văn phòng, giải trí và có thể dễ dàng giả lập các ứng dụng trên Android hoặc iOS.

Windows được nhiều nhà sản xuất phần cứng ưa chuộng trang bị cho desktop của hãng họ như: Dell, Acer, Asus, HP,... nhờ vào mức giá đa dạng nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu của người sử dụng.

+ Nhược điểm

Hiện nay, số lượng người sử dụng Windows "lậu" rất cao dẫn đến vấn đề vi phạm bản quyền. Điều này gây nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng như: mất thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng, giảm hiệu suất làm việc của thiết bị,...

Hệ điều hành Windows luôn cung cấp các bản cập nhật bổ sung nhưng kèm theo đó là yêu cầu về phần cứng của desktop. Điều này cho thấy rằng, nếu thiết bị của bạn không đủ mạnh, thì sẽ không cập nhật được bản nâng cấp mới.

Là hệ điều hành phổ biến nhất trên desktop, nên Windows luôn là "miếng mồi ngon" của hacker, đa phần các ứng dụng chứa virus đều được sinh ra dành cho Windows. Vì vậy bạn hãy cẩn thận khi click vào ứng dụng mà bạn chưa hiểu rõ về nó nhé!

MacOS

Hệ điều hành MacOS ra mắt vào năm 1984, tính đến nay đã trải qua khá nhiều bản nâng cấp với tên gọi gắn với các con vật họ nhà mèo: Cheetah, Puma, Jaguar,... MacOS còn được gọi vui là "hệ điều hành không phải ai cũng sử dụng được" để phản ánh giá cả khá cao của các thế hệ MacBook hiện nay, đặc biệt là các phiên bản mới như: MacBook Pro M3, MacBook Pro M3 Max, MacBook Pro M3 Pro.

Hệ điều hành này là một thành phần trong hệ sinh thái khép kín nhà Apple nên MacOS có khả năng thích ứng và tối ưu rất tốt với các thiết bị "nhà Táo", cùng với đó là khả năng vận hành vô cùng mượt mà và ổn định.

+ Ưu điểm

MacOS có độ bảo mật và ổn định cao cũng như ngăn chặn các tác nhân làm chậm hệ thống, đảm bảo trải nghiệm trơn tru nhất. Không như Windows, Apple hạn chế cấp quyền cho bên thứ ba can thiệp vào hệ điều hành của họ vì vậy bạn có thể yên tâm khi sử dụng.

Apple xây dựng một hệ sinh thái mà ở đó, các sản phẩm của "nhà Táo" có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng. Người dùng có thể thoải mái thao tác sử dụng iPad hoặc iPhone của họ trực tiếp trên MacBook.

+ Nhược điểm

Hệ điều hành MacOS được Apple kiểm soát chặt chẽ các ứng dụng trước khi đưa lên kho ứng dụng chính thức dẫn đến việc kho ứng dụng của Macbook không được đa dạng và phong phú.

Giá thành của các sản phẩm đến từ "nhà Táo" khá cao và khó tiếp cận. Đây có thể coi là một nét đặc trưng của các sản phẩm từ Apple nên sẽ khá khó khăn để người tiêu dùng sở hữu một chiếc MacBook.

Linux

Linux được ra mắt lần đầu tiên bởi người cha đẻ Linus Torvalds vào năm 1991. Linux là hệ điều hành có thể thay đổi và sửa chữa bởi bất kỳ ai nên được sử dụng khá rộng rãi.

Vì là một hệ điều hành phát hành miễn phí cho tất cả mọi người và ai cũng đều có thể sửa chữa hoặc thay đổi do đó hiện nay có rất nhiều phiên bản được phát triển nổi tiếng trên thế giới như: Ubuntu, Fedora, Linux Mint,... từ các công ty hoặc từ cộng đồng cùng nhau chia sẻ phát triển,...

+ Ưu điểm

Tùy vào mục đích sử dụng bạn có thể lựa chọn các phiên bản Linux thích hợp hoàn toàn miễn phí được chia sẻ từ cộng đồng Linux vì nó có thể sửa chữa bởi bất kỳ ai. Bạn còn có thể sử dụng các ứng dụng OpenOffice và LibreOffice chuyên nghiệp như trên Microsoft Office để phục vụ các tác vụ cơ bản.

Cộng đồng Linux luôn tập trung vào việc xử lý những lỗ hổng để đảm bảo tính an toàn cho hệ điều hành, khiến virus gần như bất hoạt trên nền tảng này. Cùng với đó, có rất nhiều phiên bản hoạt động mượt mà trên các dòng laptop giá rẻ chỉ từ 2 - 8 triệu đồng nên bạn có thể tin tưởng sử dụng.

+ Nhược điểm

Nếu bạn đã quen thuộc khi sử dụng hệ điều hành Windows thì sẽ mất khá nhiều thời gian để làm quen với giao diện và cách sử dụng hệ điều hành Linux này. Một số nhà sản xuất còn hạn chế hỗ trợ drivers chạy trên nền tảng Linux, vì vậy bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng một số phần mềm.

Vì đây là hệ điều hành dành cho lập trình viên nên mặc dù có các phiên bản giả lập và phần mềm hỗ trợ chạy trên Linux nhưng vẫn sẽ gây khó khăn cho một số người dùng mới vì bạn phải tìm hiểu những bài viết hướng dẫn mỗi khi muốn chạy một ứng dụng mới nào đó.

- Hệ điều hành điện thoại phổ biến

Android

Android là một sản phẩm của Tổng công ty Android (Android, Inc.) được Google mua lại trong năm 2005. Hệ điều hành Android dựa trên nền tảng Linux và là hệ điều hành được nhiều người dùng nhất toàn cầu tính đến hiện nay.

Hệ điều hành Android không chỉ phổ biến trên điện thoại, máy tính bảng mà còn được sử dụng cho TV,.... Tên các phiên bản Android mà Google phát hành được lấy cảm hứng từ chủ đề bánh kẹo như: Nougat, Jelly Bean,....

+ Ưu điểm: Android là một hệ điều hành mở do đó phần lớn các thiết bị di động hiện nay đều sử dụng hệ điều hành này. Android sở hữu kho ứng dụng độ sộ, dễ dàng đặt lại thiết bị nếu như quên mật khẩu cũng như khả năng linh động, tùy biến cao.

+ Nhược điểm: Tính đến hiện tại, độ bảo mật của Android là tăng cao đáng kể nhưng sẽ không bằng nếu so sánh với hệ điều hành iOS.

iOS

iOS là hệ điều hành được Apple thiết kế riêng cho các thiết bị di động của "nhà Táo". Hệ điều hành này được chính thức trình làng năm 2007 đánh dấu một bước ngoặt mới của công nghệ phần mềm. Nền tảng được giới chuyên gia công nghệ đánh giá rất cao về độ ổn định và chức năng mà nó mang lại.

Ban đầu hệ sinh thái iOS này được sinh ra chỉ dành riêng cho sản phẩm iPhone của hãng. Tuy nhiên sau này iOS được tùy biến để phù hợp với các sản phẩm khác của Apple là iPad và iPod Touch.

+ Ưu điểm: iOS nổi tiếng với tính bảo mật cao, hiệu năng vô cùng ổn định mà không cần đòi hỏi nhiều về cấu hình cùng với đó là khả năng tối ưu phần mềm rất tốt.

+ Nhược điểm: Hệ điều hành iOS này chỉ độc quyền cho các dòng điện thoại của Apple vì vậy không thể sử dụng trên các điện thoại khác cùng với đó là kho ứng dụng cũng ít hơn so với Android.

3. Nên lựa chọn hệ điều hành nào sử dụng cho laptop và điện thoại

Laptop

+ Hãy dùng hệ điều hành Linux nếu bạn đang sở hữu laptop cũ và bạn muốn cập nhật miễn phí lên hệ điều hành hoàn toàn hiện đại nhưng vẫn sử dụng mượt mà các ứng dụng.

+ Hãy dùng hệ điều hành Windows nếu bạn muốn chơi game, học tập hay sử dụng bất kỳ phần mềm văn phòng nào mà không bị giới hạn.

+ Hãy thử sử dụng hệ điều hành MacOS nếu bạn muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, độ bảo mật cao và có thể kết nối với hệ sinh thái Apple đầy tiện lợi.

Điện thoại

+ Hãy chọn hệ điều hành Android nếu bạn muốn sử dụng kho ứng dụng phong phú cũng như các tác vụ giải trí với kinh phí không quá cao. Hoặc nếu bạn muốn mua một chiếc điện thoại dễ sử dụng cho ông bà, cha mẹ thì Android là một sự lựa chọn hoàn hảo.

+ Nếu bạn có một tiềm lực tài chính tốt, mong muốn sử dụng một hệ điều hành được hỗ trợ liên tục, mượt mà cùng với khả năng bảo mật thông tin cao thì iOS là một sự lựa chọn hợp lý.

4. Tất tần tật về lịch sử các phiên bản Windows

Hệ điều hành DOS

Được Microsoft ra mắt từ năm 1981, hệ điều hành DOS (Disk Operating System) chính là nền tảng của Windows hiện nay. Trên thực tế DOS được Bill Gates và Paul Allen phát triển để chạy trên máy tính IBM, trong đó người dùng tương tác với máy tính bằng các lệnh đơn giản với giao diện hoàn toàn bằng văn bản.

Thời điểm đó, DOS được cài sẵn trên các máy tính cá nhân IBM và được bán dưới dạng một gói riêng bởi Microsoft. Vì hệ điều hành là Microsoft Disk Operating System, thường được gọi là MS-DOS và vì sử dụng dựa trên dòng lệnh nên DOS không thân thiện và không thực sự phù hợp với hầu hết mọi người, vì yêu cầu người dùng phải nhớ các lệnh để thực thi. Do đó, những người chỉ có kiến thức về DOS mới có thể sử dụng chúng.

Hệ điều hành DOS sử dụng rất ít bộ nhớ và thời điểm đó các máy tính chỉ có 640K bộ nhớ.

Windows 1.0

Mặc dù trước khi Windows 1.0 ra đời, họ đã nói về sự tồn tại của phiên bản Windows đầu tiên, nhưng sự thật là cho đến ngày 20 tháng 11 năm 1985, phiên bản đầu tiên của hệ thống này vẫn chưa được chính thức công bố. Một phiên bản cung cấp ít chức năng và không phải là một hệ điều hành hoàn chỉnh, vì nó giống một phần mở rộng đồ họa của MS-DOS hơn.


Các tính năng chính của Windows 1.0 bao gồm:

+ Các chương trình nhị phân Windows 1.0 có thể được thực thi và mã nguồn của chúng được biên dịch lại với các thay đổi hạn chế.

+ Notepad, Paint, Calculator… là một số ứng dụng được bao gồm trong đó.

+ Kích thước bộ nhớ tối thiểu mà hệ điều hành này yêu cầu chỉ là 256 kilobyte.

+ Trình điều khiển cho chuột, bàn phím, máy in… cũng được tích hợp.

+ Nó được gọi là giao diện người dùng của MS-DOS.

Windows 2.0

Chỉ hai năm sau, vào tháng 11 năm 1987 thì Windows 2.0 xuất hiện. Phiên bản này nhanh chóng được cập nhật lên v2.03, đã bao gồm các cửa sổ mà tất cả mọi người đều biết.


Các tính năng chính của Windows 2.0

+ Các tính năng Minimize và maximize để thu nhỏ hoặc phóng to các cửa sổ được giới thiệu.

+ Hỗ trợ thao tác với nhiều phím tắt khác nhau.

+ Trang bị tính năng Control panel

+ Hỗ trợ đồ họa VGA (giới hạn tối đa 16 màu).

+ Microsoft Word và Excel với giao diện đồ họa lần đầu tiên ra mắt.

+ Aldus  PageMaker là ứng dụng không phải của Microsoft duy nhất được giới thiệu trên Windows 2.0 này. Ngoài ra Windows cũng phát hành hai phiên bản mini tiếp theo là Windows/286 2.1 và Windows /386 2.1.

Đây cũng là phiên bản Windows đầu tiên tận dụng được các tính năng cụ thể của vi xử lý Intel 386. Microsoft vừa tăng cường bộ nhớ cho hệ thống, vừa cải thiện tốc độ và hiệu năng và lần đầu tiên một đĩa cứng được yêu cầu để cài đặt Windows.

Windows 3.0

Ngày 22 tháng 5 năm 1990, phiên bản hệ điều hành Windows 3.0 với giao diện đồ họa chính thức được Microsoft. Đây cũng là phiên bản thành công về mặt thương mại đầu tiên khi bán được tới hai triệu bản chỉ trong vài tháng kể từ khi ra mắt.

Với việc nâng cấp lên phiên bản 3.1, hệ thống đã đi kèm trò chơi nổi tiếng Minesweeper, người dùng cũng cũng làm quen với sự hiện diện của các tệp và trình quản lý chương trình. Với Windows 3.1, Microsoft cũng giới thiệu khái niệm về bộ nhớ ảo, card âm thanh, CD-ROM và các tính năng đa phương tiện được rất nhiều người dùng yêu thích.


Các tính năng mới đi kèm Windows 3.1:

+ Đánh dấu lần đầu tiên ra mắt tính năng phát lại âm thanh và video tích hợp.

+ Trình bảo vệ màn hình màu đã được giới thiệu.

+ Hỗ trợ rất nhiều phần mềm của bên thứ ba.

+ Nhiều font chữ được tích hợp.

Phiên bản Windows này cùng với Windows 1.0 và 2.0 đã được Microsoft ngừng hỗ trợ từ ngày 31 tháng 12 năm 2001.

Windows NT

Được ra mắt vào năm 1993, Windows NT (New Technology) chủ yếu hướng đến đối tượng là người dùng doanh nghiệp và được sản xuất cho các máy trạm và máy chủ với các tính năng bảo mật quan trọng.

Windows NT cũng lần đầu tiên giới thiệu giao thức truyền thông mạng TCP/IP, đây là giao thức vẫn đang còn được sử dụng để truy cập Internet ngày nay. Phiên bản này còn hỗ trợ kết nối mạng nội bộ (LAN), có thể tạo nhiều tài khoản trên một máy tính.


Các tính năng mới đi kèm Windows NT:

+ Một giao diện lạ mắt bao gồm nút Start, trình khám phá thanh tác vụ…

+ Hỗ trợ lên đến 15 giao thức mạng.

+ Ứng dụng khách NetWare và tập lệnh đăng nhập đã được hỗ trợ.

+ Microsoft Schedule + và Microsoft Exchange lần đầu tiên có mặt.

+ Tính năng tạo ID người dùng và mật khẩu đã được sử dụng để bảo mật.

Windows 95

Ngày 24 tháng 8 năm 1995 là một ngày quan trọng trong vòng đời của hệ điều hành Windows, vì đây là ngày phiên bản Windows 95 nổi tiếng được phát hành. Phiên bản này cung cấp một giao diện được cải tiến đáng kể và nó đã có thanh tác vụ (Taskbar) và menu Start, hai yếu tố rất quan trọng vẫn là một phần của hệ điều hành Windows cho đến ngày nay.

Cũng cần lưu ý rằng Windows 95 còn bao gồm Internet Explorer, một trình duyệt web đã đồng hành cùng hệ thống trong rất nhiều năm và hỗ trợ kết nối Internet. Bộ vi xử lý 386DX và RAM 4MB là yêu cầu tối thiểu để chạy Windows 95. Với giao diện đồ họa thân thiện, đa tính năng và dễ sử dụng, Windows 95 đã bán được 7 triệu bản trong thời gian chưa đầy hai tháng và đó tiếp tục là một thành công lớn của Microsoft.


Các tính năng mới đi kèm Windows 95:

+ Hệ thống có thể chạy mà không cần MS-DOS.

+ Một tính năng dành cho máy tính để bàn đã được giới thiệu và nó có thể được sử dụng để lưu trữ các ứng dụng khác nhau như My Computer, Recycled bin …

+ Tính năng kích chuột phải vào một đối tượng để chỉnh sửa, sao chép, dán… cũng lần đầu tiên có mặt.

+ Một thanh tác vụ (Taskbar) mới và menu Start cũng được bắt đầu từ đây.

Hỗ trợ tiêu chuẩn cho Windows 95 được Microsoft gia hạn đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 và hỗ trợ mở rộng cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2001.

Windows 98

Mặc dù trước khi Windows 98 ra đời, chúng ta nên đề cập rằng có một phiên bản Windows NT được nhắm mục tiêu vào các khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng 6 năm 1998, Microsoft đã phát hành một phiên bản hệ điều hành mới của mình.

Giống như phiên bản trước, Microsoft đã lấy hai chữ số cuối của năm ra mắt làm tên gọi cho phiên bản Windows, đây là phiên bản đi kèm với tệp hệ thống là FAT32 và cố gắng mở rộng quyền truy cập vào mạng. Ngoài ra, Windows 98 còn hỗ trợ DVD và USB.


Tuy nhiên, sự phức tạp lớn của hệ thống đã dẫn đến hiệu năng giảm đáng kể, khiến nó trở thành một trong những phiên bản Windows bị chỉ trích nhiều nhất vì sự chậm chạp và không đáng tin cậy so với Windows 95. Mặc dù vậy, Windows 98 vẫn được hỗ trợ tiêu chuẩn cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2002 và hỗ trợ mở rộng kết thúc vào ngày 11 tháng 7 năm 2006.

Các tính năng mới đi kèm Windows 98:

+ Các công cụ dựa trên Internet đã được bổ sung như Internet Explorer 4.0.1, Outlook Express, Windows Address Book…

+ Windows Driver Model (WDM) đã được ra mắt.

+ Trình kiểm tra tệp hệ thống (System file checker – SFC), công cụ sửa các tệp hệ thống bị lỗi hoặc hỏng ra mắt lần đầu tiên.

+ Hệ thống tệp FAT 32 đã được hỗ trợ ở đây.

Windows ME và Windows 2000

Windows Me

Ra mắt vào năm 2000, Windows Me (Millennium Edition) được Microsoft tối ưu hóa cho nhu cầu giải trí đa phương tiện như video, nhạc… Người dùng có thể dễ dàng nghe nhạc và video bằng cách chỉnh sửa và lưu nhiều thứ đồng thời. Điều này đặc biệt vô cùng hữu ích cho những người dùng thuộc ngành điện ảnh.


Windows Me là phiên bản Windows cuối cùng chạy trên MS-DOS. Tính năng tự động điền (Autocomplete) xuất hiện lần đầu tiên với phiên bản này. Tuy nhiên, phiên bản này không đạt được thành công so với các phiên bản trước vì một số lý do như: Tốc độ hệ thống chậm chạp, hệ thống có nhiều lỗi khiến trải nghiệm người dùng thấp hơn nhiều so với mức trung bình mà tất cả các phiên bản trước đó đưa ra.

Nhưng với Windows Me, Microsoft đã mang đến một tính năng khác được gọi là khôi phục hệ thống (System Restore). Tính năng này giúp người dùng khôi phục hệ thống về trạng thái ổn định nhất trước khi sự cố xảy ra.

Windows 2000

Ra mắt cùng với Windows ME, phiên bản Windows 2000 được phát triển dựa trên Windows NT Workstation 4.0, hỗ trợ thêm nhiều phần cứng cũng như các thiết bị mạng không dây.

Trên Windows 2000, người dùng cũng lần đầu tiên làm quen với tính năng Hibernation (chế độ ngủ), tại đây người dùng có thể tắt (mà không cần tắt) máy tính và khởi động lại sau đó để tiết kiệm năng lượng.


Windows 2000 còn được gọi là “W2K” cũng được xây dựng để sử dụng cho laptop cùng với máy tính để bàn. Có tới 4 phiên bản con được phát hành với Windows 2000 và Windows 2000 Professional được cho là phiên bản tốt nhất. Windows 2000 được hỗ trợ tiêu chuẩn đến ngày 30 tháng 6 năm 2005 và hỗ trợ mở rộng kết thúc vào ngày 13 tháng 7 năm 2010.

Các tính năng mới đi kèm Windows ME và Windows 2000:

+ Công cụ khôi phục hệ thống System Restore lần đầu tiên ra mắt.

+ Hỗ trợ cập nhật Windows tự động.

+ Tính năng WIA hoặc Windows Image Acquisition cho phép hệ điều hành tích hợp với các thiết bị đa phương tiện.

+ Công cụ đa phương tiện Windows Movie Maker chính thức ra mắt.

Windows XP

Một bước nhảy vọt khác trong sự phát triển của hệ điều hành Microsoft xảy ra vào ngày 25 tháng 10 năm 2001, khi Windows XP được tung ra. Phiên bản Windows này là sự kết hợp của Windows NT/2000 và Windows 95/98/ME và được phát hành với hai phiên bản khác nhau: Home và Professional.

Windows XP nhận được nhiều chỉ trích, chủ yếu liên quan đến vấn đề an ninh. Để giải quyết mối lo ngại này, Windows đã phát hành gói dịch vụ Service Pack in 2002, sau đó tiếp tục phát hành một loạt gói dịch vụ bảo mật khác để bảo vệ ổn định hệ thống.


Ở khía cạnh trực quan, Windows XP nổi bật với những cải tiến đáng kể trong giao diện người dùng với các biểu tượng, menu và thông số mới cho phép người dùng đi sâu hơn và kiểm soát tất cả các loại tác vụ trong hệ thống. Nhưng Windows XP không chỉ cung cấp các cải tiến về đồ họa mà còn tăng đáng kể tốc độ và khả năng cơ động.

Windows XP được tích hợp các tính năng như mã hóa các tập tin hệ thống, hỗ trợ mạng Wi-Fi và hỗ trợ từ xa. Phiên bản này được hỗ trợ tiêu chuẩn đến ngày 14 tháng 4 năm 2009, trong khi hỗ trợ mở rộng đến ngày 8 tháng 4 năm 2014.

Các tính năng mới đi kèm Windows XP:

+ Lần đầu tiên Microsoft giới thiệu tính năng hỗ trợ từ xa (Remote Assistance), cho phép người dùng khắc phục sự cố hệ thống từ xa khi cần.

+ Remote desktop cho phép bạn điều khiển, sử dụng máy tính từ xa

+ Tường lửa kết nối Internet cũng được giới thiệu.

+ Tính năng khôi phục trình điều khiển thiết bị để quản lý các bản cập nhật trình điều khiển đã được bao gồm.

+ Hỗ trợ ghi đĩa CD để sao chép, sao lưu dữ liệu vào đĩa CD đã ra mắt cùng phiên bản này.

Windows Vista      

Windows Vista, được Microsoft phát hành vào ngày 30 tháng 1 năm 2007 với rất nhiều tính năng mới, giao diện được thiết kế lại và những thay đổi lớn về giao diện, nhằm cải thiện tính bảo mật, nhưng không thật sự nhận được sự quan tâm của đa số người dùng.

Với Windows Vista, chúng ta có thể thấy giao diện Aero UI, mang lại sự hấp dẫn về mặt hình ảnh nhưng lại tạo gánh nặng lên các máy tính có cấu hình kém mạnh mẽ hơn, vấn đề chậm chạp và quá tải đã làm lu mờ những tính năng mới về đồ họa.


Cùng với nhiều nguyên nhân khác đã khiến Windows Vista trở thành một thất bại trong lịch sử hệ điều hành và khai tử Windows Vista vào năm 2017, bất chấp sự kỳ vọng cao của Microsoft. Phiên bản này được hỗ trợ tiêu chuẩn cho đến ngày 10 tháng 4 năm 2012 và hỗ trợ mở rộng kéo dài đến ngày 11 tháng 4 năm 2017.

Các tính năng mới đi kèm Windows Vista:

+ Hỗ trợ Windows mail.

+ Tích hợp tính năng Windows Calendar và Photo gallery mới.

+ Trình phát đa phương tiện Windows Media Player ra mắt.

+ Bao gồm tính năng sao lưu và khôi phục hệ thống.

Windows 7

Ngày 22 tháng 10 năm 2009, Microsoft công bố phát hành Windows 7 thay thế cho Windows Vista và trở thành một trong những phiên bản hệ điều hành quan trọng nhất của Microsoft.

Hỗ trợ cảm ứng đa điểm, giao diện Windows được thiết kế lại, thanh tác vụ mới, hệ thống mạng, cải tiến hiệu năng và tốc độ, cũng như giảm mức tiêu thụ tài nguyên… tất cả đều đã được thêm vào hệ thống này.


Ngoài ra, Windows 7 đã giới thiệu một thiết kế mới cho thanh tác vụ, làm cho nó rộng hơn và một hệ thống với các biểu tượng lớn. Hỗ trợ tiêu chuẩn cho Windows 7 kéo dài đến ngày 13 tháng 1 năm 2015 và hỗ trợ mở rộng đến ngày 14 tháng 1 năm 2020.

Các tính năng mới đi kèm Windows 7:

+ Thanh tác vụ đã được tinh chỉnh.

+ Tính năng Jumplist đã được thêm vào.

+ Khay hệ thống (System tray) đã được tân trang lại.

+ Thanh tác vụ được cải tiến để giúp bạn dễ dàng thao tác hơn.

Windows 8

Gần ba năm sau, vào ngày 26 tháng 10 năm 2012, Windows 8 được phát hành. Đây cũng là phiên bản Windows đầu tiên hỗ trợ bộ vi xử lý ARM ngoài bộ xử lý Intel truyền thống. Giao diện trong hệ thống mới đã được thay đổi để thuận tiện hơn cho các thiết bị có màn hình cảm ứng. Ngoài ra, menu Start đã bị xóa khỏi hệ thống và điều này nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực của những người dùng yêu thích Windows.


Bên cạnh đó còn những đánh giá không tốt của người dùng về giao diện Metro mới buộc Microsoft phải tung ra Windows 8.1 để bổ sung một số cải tiến. Hỗ trợ tiêu chuẩn và mở rộng cho Windows 8 đã kết thúc vào ngày 12 tháng 1 năm 2016, trong khi hỗ trợ tiêu chuẩn cho Windows 8.1 vẫn tiếp tục đến ngày 9 tháng 1 năm 2018 và hỗ trợ mở rộng vẫn có hiệu lực cho đến ngày 10 tháng 1 năm 2023.

Các tính năng mới đi kèm Windows 8:

+ Cải tiến thời gian khởi động nhanh hơn so với các phiên bản trước đó.

+ Desktop đã được tinh chỉnh tốt hơn, thêm vào vẻ ngoài linh hoạt và dễ làm việc hơn.

+ Chức năng tìm kiếm sáng tạo không xuất hiện trên thực tế nhưng xuất hiện ngay khi bạn bắt đầu nhập.

+ Đồng bộ hóa Windows Live đã được giới thiệu.

Windows 8.1

Được ra mắt vào năm 2013 để sửa những lỗi mà người dùng than phiền về những cải tiến không thiết thực của Windows 8. Các tính năng mới và cải tiến của phiên bản này bao gồm:

+ Cho phép đặt các ứng dụng mặc định cho các tùy chọn như e-mail, trình duyệt web, trình phát nhạc …

+ Nút Start đã được giới thiệu lại nhưng là một nút đổi mới hơn.

+ Màn hình chính có thể được tùy chỉnh theo nhu cầu.

+ Tính năng cập nhật ứng dụng tự động đã được ra mắt.

Windows 10

Ngày 29 tháng 7 năm 2015, Microsoft đã phát hành phiên bản mới nhất và được mong đợi của hệ điều hành Windows 10. Một phiên bản có một bộ ứng dụng lớn và giao diện hiện đại với hiệu năng tốt nhất. Bản chất đa nền tảng của hệ thống mới cho phép sử dụng phiên bản hệ điều này trên cả máy tính và thiết bị di động.

Nhưng đây không phải là những cải tiến duy nhất, vì các ứng dụng phổ thông cũng rất đáng chú ý như: Trình duyệt Edge mới, trợ lý Cortana, ứng dụng Settings mới, TimeLine và sự trở lại menu Start, tính năng mà đa số người dùng đều muốn quay trở lại. Nhìn chung, đây là phiên bản Windows tốt nhất cho đến nay và là sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng.


Windows 10 được hỗ trợ tiêu chuẩn đến ngày 9 tháng 1 năm 2024, trong khi hỗ trợ mở rộng đến ngày 9 tháng 1 năm 2029.

Các tính năng mới đi kèm Windows 10:

+ Menu Start hiện bao gồm hầu hết các ứng dụng quan trọng.

+ Trình duyệt Internet Microsoft Edge được giới thiệu.

+ Cortana, trợ lý ảo cũng đã ra mắt.

+ Trang bị chế độ máy tính bảng tối ưu hóa cho các thiết bị màn hình cảm ứng.

Windows 11


Ra mắt tháng 10 năm 2021, giống như Windows 10, đây là bản cập nhật miễn phí, nhưng lần này, các yêu cầu hệ thống đã được nâng lên đáng kể và mang lại nhiều thay đổi hơn so với hầu hết các bản cập nhật tính năng Windows 10 thường làm. Có một trải nghiệm hình ảnh hoàn toàn mới trên toàn bộ hệ thống, với cả hệ điều hành và các ứng dụng tích hợp được cập nhật với giao diện và tính năng mới.

Windows 11 biến Microsoft Store (trước đây là Windows Store) thành nơi mà mọi ứng dụng đều có thể được tìm thấy. Các ứng dụng có thể được liệt kê trên Microsoft Store ngay cả khi chính Microsoft không lưu trữ chúng và bạn thậm chí có thể tìm thấy các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba như Epic Games Store. Ngoài ra còn có Amazon Appstore để cài đặt ứng dụng Android, nhưng sau này đã bị gỡ bỏ.

Microsoft vẫn đang cải thiện hệ điều hành này. Các bản cập nhật hàng năm đã bổ sung nhiều thay đổi lớn, bao gồm File Explorer, Windows Copilot và các tính năng AI được làm mới trong các ứng dụng như Paint và Snipping Tool. Bản thân Windows 11 vẫn đang tiếp tục phát triển, vì vậy nó trông rất khác so với năm 2021.

Qua tất cả những thay đổi, Windows 11 vẫn có nhiều yếu tố quen thuộc đối với người dùng Windows và dù vẫn còn vài điểm yếu, nhìn chung đây vẫn là một trong những phiên bản Windows tốt.

Windows 11 đã ra mắt được gần 4 năm và dù còn tồn tại một vài vấn đề, nhưng nhìn chung nó vẫn là một trong những bản cập nhật hệ điều hành có chất lượng tốt trong lịch sử Microsoft. Windows 11 có giao diện đẹp, cảm giác sử dụng trực quan và Microsoft đã liên tục cải tiến với các bản cập nhật mới.

Không nhiều người trong chúng ta có thể trải nghiệm tất cả các bản phát hành chính của Windows. Hầu hết người dùng tiếp xúc với Windows từ các bản Windows 95, 98 hay Windows XP. Nhưng có rất nhiều thứ dẫn đến hệ điều hành Windows 11 hiện tại. Suy cho cùng, Windows đã gần 40 năm tuổi.

NGUỒN: Internet

 

Share:

Related Posts:

0 comments:

Đăng nhận xét

Bài Đăng Nổi Bật

hội đồng quản trị, hội đồng thành viên

  I. Tìm hiểu về hội đồng quản trị và hội đồng thành viên Link tham khảo: https://luatvietnam.vn/doanh-nghiep/chu-tich-hoi-dong-quan-tri-v...

Tổng Số Lượt Xem Trang

46

Bài Đăng Phổ Biến