Với sự phát
triển mạnh mẽ của các thiết bị không dây ngày nay, chúng ta không thể bỏ qua những
kiến thức liên quan đến hệ thống mạng không dây. Tuy rằng hệ thống mạng dây đã
và sẽ luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thế giới hiện đại, trong
phạm vi vài chục hoặc vài trăm mét vuông của một hộ gia đình hay một công ty nhỏ,
việc triển khai một hệ thống mạng LAN hoàn toàn “wireless” (không dây) không hẳn
là quá khó khăn, lại giúp bớt đi được một đống dây rợ lằng nhằng trong nhà giúp
việc sử dụng và di chuyển các thiết bị thuận tiện hơn. Trở ngại lớn nhất, ngoài
chi phí của các thiết bị mạng không dây, là việc người dùng cần nắm vững các
khái niệm mạng cơ bản nếu như muốn thực sự điều khiển được toàn bộ hoạt động của
hệ thống đó theo ý mình. Trong bài viết lần này, hãy cùng tìm hiểu tiếp về những
khái niệm thiết yếu của hệ thống mạng không dây cỡ nhỏ.
I. Sơ lược về các loại mạng không dây
Cũng tương tự
với hệ thống mạng dây, cách phân chia cơ bản nhất của các hệ thống mạng không
dây là theo phạm vi phủ sóng. Dĩ nhiên khi thiết lập mạng không dây trong phạm
vi gia đình hoặc công ty cỡ nhỏ, chúng ta sẽ chủ yếu làm việc với mạng WLAN
(Wireless Local Area Network hay Wireless LAN), tuy nhiên một vài hiểu biết về
các phạm vi khác sau đây cũng không hẳn là thừa.
WPAN - Wireless Personal Area Network:
Khi làm việc với mạng dây, khái niệm PAN – Personal Area Network chủ yếu được
dùng để chỉ các kết nối trực tiếp bằng cáp (USB, Firewire) đến một máy cá nhân
của người dùng, ví dụ như khi các thiết bị máy in, máy photo hay PDA được đấu nối
trực tiếp với PC của bạn không thông qua thiết bị mạng. Do các cổng kết nối
trên một máy tính thường rất hạn chế, và cách kết nối trực tiếp kiểu này chủ yếu
nhắm tới việc phục vụ 1 người dùng nên khi kết nối bằng dây khó có thể gọi các
kết nối PAN là một “hệ thống mạng” thực sự. Thường thì người dùng cũng không cần
chú ý tới điều này, miễn sao khi nối cáp vào 2 thiết bị nhận ra nhau là được.
Nhưng khi chuyển sang không dây, câu chuyện lại hơi khác một chút và chúng ta cần
chú ý đến việc phân biệt được các kết nối WPAN để tránh mất thời gian tìm lỗi
không đúng chỗ. Hai dạng WPAN phổ biến nhất là Bluetooth và hồng ngoại
(Infrared Data Association – IrDA) tạo ra một kênh giao tiếp trực tiếp giữa hai
thiết bị, không qua các thiết bị mạng trung gian – giống như khi ta nối cáp trực
tiếp từ máy in vào PC vậy. Vì vậy các sự cố xảy ra trên các kết nối này không
liên quan gì tới các thiết bị quản lý hệ thống WLAN như wireless repeater, access
point cả.