2024-09-10

Tìm hiểu luật Tố tụng hình sự

            1. Giấy mời là gì?

Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.

Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với đơn vị đã gửi giấy mời để biết rõ được mình có liên quan như thế nào đến vụ việc/vụ án. Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

2. Giấy triệu tập là gì?

Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án... Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc) đối với những người thuộc diện sau:

- Bị can: Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;(theo Điều 60, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

- Bị cáo: Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã (theo Điều 61, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

- Người bị hại: là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải (theo điều 62, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

- Nguyên đơn dân sự: Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (theo điều 63, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

- Bị đơn dân sự: Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Phải có Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (theo điều 64, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (theo điều 65, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

- Người làm chứng: Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải (theo điều 66, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

Như vậy: Giấy mời và giấy triệu tập có bản chất hoàn toàn khác nhau, được hiểu giấy mời thì người được mời có thể lựa chọn đến hoặc không đến nhưng nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc. Còn giấy triệu tập thì bắt buộc phải đến, phải có mặt, nếu không rất có thể sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Tiêu chí

Giấy mời

Giấy triệu tập

Cơ sở pháp lý

Hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về giấy mời.

Được quy định rải rác trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tại các Điều: 60, 61, 62, 66,…

Khái niệm

Giấy mời được hiểu là loại giấy thông thường được sử dụng trong những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Tòa án) nói chung mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.

 

Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự. Do đó, chỉ Điều tra viên (cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), Kiểm sát viên và Thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy này.

Thẩm quyền ban hành

Thông thường do các Cơ quan tiến hành tố tụng ban hành.

Do các Cơ quan tiến hành tố tụng ban hành. Các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay bao gồm:

- Cơ quan điều tra,

- Viện kiểm sát,

- Tòa án.

Chủ thể bị áp dụng

Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có liên quan hoặc biết về vụ việc

– Bị can, bị cáo;
– Người bị hại;
– Đương sự;
– Người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
– Người tố giác, báo tin về tội phạm; người bị tố giác;
– Người bào chữa;
– Người làm chứng;
– Người giám định
– Người định giá tài sản;
– Người phiên dịch
– Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Giai đoạn áp dụng

Thường giấy mời được sử dụng trong giai đoạn chưa khởi tố vụ án hình sự.

Giấy triệu tập được sử dụng khi đã có quyết định khởi tố vụ án rồi, vì một khi có quyết định khởi tố vụ án thì tư cách của những người tham gia tố tụng mới được xác định.

Tính bắt buộc phải thi hành

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.

Theo đó, giấy mời làm việc không tạo ra nghĩa vụ buộc bạn phải có mặt làm việc nếu bạn không phải là người tham gia tố tụng, thực tế bạn có thể đến hoặc không đến. Tuy nhiên, trên tinh thần hợp tác, bạn cần có mặt để làm việc làm rõ vụ việc. Còn trong trường hợp không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời thì bạn có thể làm đơn từ chối có nêu lý do vắng mặt rồi gửi đến cơ quan công an. Sau đó, bạn nên đến cơ quan công an trong thời gian sớm nhất để hợp tác làm rõ vụ việc.

Người nhận được giấy triệu tập bắt buộc phải có mặt.

Hậu quả thi hành

Vì không mang tính bắt buộc nên việc bạn không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp không có mặt theo giấy triệu tập có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như áp giải, dẫn giải hay quyết định truy nã.

Lưu ý chung

Theo quy định tại tiểu mục 1.4 phần 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA thì giấy triệu tập và giấy mời có quy định một số điểm chung như sau:

- Pháp luật nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian; về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời.

- Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.

 

3. Áp giải và dẫn giải trong tố tụng hình sự khác nhau như thế nào?

- Theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về áp giải như sau:

Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.

Theo khoản 1 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về áp giải như sau:

Áp giải, dẫn giải

1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội. (Người bị buộc tội gồm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.)

- Theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về dẫn giải như sau:

Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.

Theo khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về dẫn giải như sau:

Áp giải, dẫn giải

...

2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

...

Theo quy định trên, áp giải và dẫn giải trong tố tụng hình sự đều là biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên đối tượng áp dụng của hai biện pháp này có sự khác nhau.

Theo đó, áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử. Còn Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.

Trong tố tụng hình sự, ai có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải?

Theo khoản 3 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về áp giải, dẫn giải như sau:

Áp giải, dẫn giải

...

3. Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.

...

Theo quy định trên, người có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải là điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử.

Việc thi hành quyết định áp giải, dẫn giải trong tố tụng hình sự được thực hiện thế nào?

Căn cứ từ khoản 4 đến khoản 6 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về áp giải, dẫn giải như sau:

Áp giải, dẫn giải

...

4. Quyết định áp giải, quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

5. Người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải.

6. Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

Như vậy, việc thi hành quyết định áp giải, dẫn giải được thực hiện theo quy định tại khoản 4 đến khoản 6 Điều 127 nêu trên.

Lưu ý rằng không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

Share:

0 comments:

Đăng nhận xét

Bài Đăng Nổi Bật

Những công nghệ thang máy phổ biến hiện nay

Thang máy được phân chia thành rất nhiều loại tuỳ theo mục đích sử dụng, tải trọng, xuất xứ, kích thước,… Hiện nay, cùng với sự phát triển c...

Tổng Số Lượt Xem Trang

Bài Đăng Phổ Biến