Năm nay chứng kiến các
cuộc bầu cử quan trọng cùng nhiều xung đột và biến động, nhưng cũng ghi dấu ấn
với một số thành tựu khoa học, công nghệ.
Nguồn: Vnexpress, 8 sự kiện thế giới 2024
1. Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Bước vào
năm bầu cử, ông Trump đối mặt nhiều hoài nghi trong đảng Cộng hòa về năng lực
chính trị và tầm ảnh hưởng sau nhiệm kỳ thứ nhất nhiều hỗn loạn. 4 vụ truy tố
cấp bang và liên bang cũng được coi là trở ngại lớn với ứng viên tổng thống 78
tuổi.
Tuy nhiên,
rắc rối pháp lý dường như không thể cản bước tranh cử của ông Trump. Ông đã
đánh bại đối thủ Kamala Harris cả về phiếu đại cử tri lẫn phiếu phổ thông, trở
thành tổng thống Mỹ đầu tiên có hai nhiệm kỳ không liên tiếp trong một thế kỷ,
báo hiệu những thay đổi rất lớn về cả về đối nội và đối ngoại của Mỹ.
Về đối nội, ông
Trump nhiều lần tuyên bố sẽ siết chặt an ninh biên giới, trục xuất hàng loạt
người nhập cư trái phép, điều có thể ảnh hưởng đến khoảng 11 triệu người ở Mỹ.
Ông cũng xem xét xóa bỏ luật "sinh ở Mỹ là công dân Mỹ", đóng băng
quy định về khí hậu, cải cách hệ thống y tế, cam kết tinh giản bộ máy chính phủ
và tiến hành chiến dịch trục xuất lớn kỷ lục.
Về đối ngoại, ông Trump xem xung đột
Ukraine là ưu tiên chính sách hàng đầu, tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột
"trong 24 giờ" bằng cách buộc cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Cam
kết này khiến Ukraine lo lắng rằng ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ, gây áp lực
buộc Kiev chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ với Moskva để đổi lấy hòa bình.
Ông cũng khiến các đồng minh lẫn đối
thủ thấp thỏm, khi liên tiếp tung ra những lời đe dọa áp thuế với Canada,
Mexico, thậm chí dọa rút Mỹ khỏi NATO, đồng thời duy trì áp lực cạnh tranh siêu
cường và tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông ấp ủ kế hoạch áp thuế
60% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, nguy cơ đẩy hai nền kinh tế hàng đầu thế
giới vào một cuộc chiến thương mại khốc liệt hơn.
Theo Ray Dalio, bình luận viên của TIME,
trong nhiệm kỳ của ông Trump, trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt từ sau Thế chiến
II sẽ phân mảnh thành những trật tự nhỏ hơn. Trong đó, Mỹ theo đuổi chính sách
"nước Mỹ trên hết" với danh sách đồng minh, đối thủ một cách rõ ràng.
"Vai trò của các tổ chức quốc tế
như Liên Hợp Quốc, WTO, IMF, Ngân hàng Thế giới sẽ suy giảm dưới thời ông
Trump, khi thế giới chia thành những cực nhỏ hơn, vì những lợi ích riêng nhiều
hơn thay vì phối hợp với nhau giải quyết các thách thức chung như trước
đây", Dalio nhận định.
2. Xung đột liên tiếp bùng nổ ở Trung Đông
Mâu thuẫn âm ỉ ở Trung Đông suốt thời
gian dài đã bùng nổ cuối năm 2023, khi nhóm vũ trang Hamas ở Gaza tấn công miền
nam Israel. Tel Aviv mở chiến dịch vào dải đất đáp trả và chưa có dấu hiệu dừng
lại. Chiến dịch của Israel đã khiến khoảng 45.000 người Palestine thiệt mạng,
tàn phá phần lớn Dải Gaza và châm ngòi cho những xung đột quy mô lớn hơn trên
khắp Trung Đông.
Tại Lebanon, nhóm vũ
trang Hezbollah liên tục tập kích Israel để thể hiện đoàn kết với đồng minh
Hamas. Sau gần một năm "giao tranh có kiểm soát", Israel từ tháng 9
mở chiến dịch tấn công Hezbollah ở miền nam Lebanon, tăng cường các cuộc không
kích hạ sát thủ lĩnh và nhiều thành viên cấp cao của nhóm. Chính phủ Lebanon
cho biết hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong các trận giao tranh dữ dội giữa
Israel và Hezbollah, trước khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ
ngày 27/11.
Để ủng hộ
người dân Gaza, nhóm Houthi ở Yemen cũng liên tục tập kích tàu hàng có liên hệ
với Israel và Mỹ qua Biển Đỏ, khiến hàng loạt hãng vận tải biển từ bỏ cung
đường này và chọn hành trình dài hơn vòng qua châu Phi, đẩy chi phí gia tăng.
Cả Hamas,
Hezbollah và Houthi đều là các nhóm vũ trang trong "Trục Kháng chiến"
được Iran hậu thuẫn. Cuộc đối đầu ngấm ngầm giữa Israel và Iran cuối cùng cũng
bùng phát thành giao tranh trực tiếp. Hai bên đã hai lần tập kích lãnh thổ nhau
vào tháng 4 và tháng 10, đẩy Trung Đông sát bờ vực một cuộc chiến toàn diện.
Theo dự án Economics
Observatory (ECO), các xung đột liên tục bùng phát ở Trung Đông, nơi có nhiều
quốc gia xuất khẩu dầu lớn, sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn địa chính trị toàn cầu,
có thể đẩy giá dầu, cước vận tải biển lên cao, kéo theo lạm phát và làm hoạt
động kinh tế thế giới chững lại.
Do những
bất ổn ở Trung Đông, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP toàn cầu năm nay tăng
trưởng 2,6%, năm 2025 tăng trưởng 2,7%, đều thấp hơn mức trung bình 3,1% trong
thập niên trước đại dịch Covid-19.
3. Quân nổi dậy lật đổ chính phủ Syria
Khi các
cuộc chiến ở Trung Đông chưa hạ nhiệt, một điểm nóng khác bùng lên. Tận dụng
thời điểm Hezbollah suy yếu, Iran mất lợi thế trước Israel, phe đối lập ở Syria
trỗi dậy, tấn công và chiếm hàng loạt thành phố chiến lược. Các tay súng Hayat
Tahrir al-Sham (HTS) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sáng 8/12 tiến vào thủ đô
Damascus, buộc tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức và sang Nga xin tị nạn,
chấm dứt 53 năm nắm quyền của gia tộc Assad cũng như cuộc nội chiến kéo dài hơn
13 năm ở nước này.
Đây là
kết quả của chiến dịch tấn công chớp nhoáng trong 11 ngày của liên minh nổi dậy
do HTS dẫn đầu, khiến cả thế giới bất ngờ. Nó cũng mở ra một thời kỳ mới không
chỉ với Syria, khi sự ổn định của nước này có thể giúp kiềm chế chủ nghĩa khủng
bố, cho phép người tị nạn trở về quê nhà, thậm chí tham gia Hiệp ước Abrahams
giúp Israel bình thường hóa quan hệ với một số nước Arab mà Mỹ làm trung gian.
Tuy nhiên, sự sụp đổ
của chính quyền Assad cũng để lại khoảng trống quyền lực ở Syria, đẩy đất nước
vào tình cảnh "chia 5 xẻ 7". Nếu chính quyền mới do HTS lãnh đạo
không thể thúc đẩy đoàn kết dân tộc, Syria có thể tiếp tục rơi vào hỗn loạn,
khi các phe phái đấu đá tranh giành quyền lực. Điều này hoàn toàn có thể khiến
Syria bị tách thành những vùng lãnh thổ nhỏ hơn mà không bên nào đủ khả năng
thống nhất đất nước.
Chính
biến Syria còn xoay chuyển cán cân quyền lực địa chính trị Trung Đông, biến
quốc gia này thành mục tiêu giành giật ảnh hưởng của các cường quốc khu vực,
khiến nỗ lực vãn hồi hòa bình đối mặt nhiều thách thức.
Theo giới
phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel là những bên hưởng lợi nhiều nhất, trong khi
Nga và Iran giảm ảnh hưởng tại khu vực, có nguy cơ đánh mất các lợi ích chiến
lược sau nhiều năm dồn sức ủng hộ chính quyền tổng thống Assad.
4. Nga chuyển sang tấn công trên chiến trường Ukraine
Sau thời
gian dài củng cố phòng tuyến đối phó chiến dịch phản công của Ukraine, lực
lượng Nga trong năm 2024 bắt đầu chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận, dần
đẩy đối phương vào thế chật vật phòng ngự và liên tục để mất các mục tiêu chiến
lược, đặc biệt là ở Donetsk.
Dữ liệu
từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trụ sở tại Mỹ, cho thấy từ đầu năm đến nay, Nga
giành được hơn 3.500 km2 lãnh thổ ở Ukraine, gấp 6 lần so với cả năm 2023. Kể
từ khi xung đột nổ ra, tổng diện tích đất ở Ukraine mà Nga kiểm soát là 68.050
km2.
Với đà tiến công
hiện nay, nhiều người cho rằng Nga có thể chiếm thành phố chiến lược Pokrovsk ở
miền đông Ukraine vào đầu năm sau, làm suy yếu đáng kể tuyến phòng thủ và năng
lực tiếp tế của Kiev, giúp họ tiến gần hơn mục tiêu kiểm soát toàn bộ tỉnh
Donetsk.
Dù bị đối thủ áp đảo cả về nhân lực
lẫn hỏa lực, Ukraine vẫn có khả năng tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến khi mở
chiến dịch tấn công tỉnh Kursk, miền tây Nga, hồi tháng 8 và kiểm soát hơn
1.300 km2 lãnh thổ. Chiến dịch Kursk được coi là một canh bạc lớn với Ukraine,
giúp tăng vị thế mặc cả của họ trong các cuộc đàm phán tương lai với Nga.
Chiến sự Ukraine
chứng kiến bước ngoặt tiếp theo khi Tổng thống Joe Biden hồi tháng 11 cho phép
Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tập kích mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ
Nga. Để đáp trả, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn siêu
vượt âm mới mang tên Oreshnik vào Ukraine, đẩy xung đột đến ngưỡng nguy hiểm
mới.
Giới
chuyên gia đánh giá vụ phóng tên lửa mới này đã truyền thông điệp cứng rắn của
Tổng thống Putin rằng nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí tầm xa để Ukraine
tập kích lãnh thổ Nga, xung đột có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, thậm chí
biến cuộc chiến giữa hai quốc gia thành chiến tranh hạt nhân hủy diệt giữa các
siêu cường.
Từ chỗ
kiên quyết từ chối đàm phán với Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky bắt đầu thay
đổi lập trường, thừa nhận Ukraine hiện không đủ sức giành lại một số lãnh thổ
do Nga chiếm giữ, nên phải tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Nga cũng tuyên bố
nước này sẵn sàng đàm phán theo những điều kiện nhất định, như Ukraine phải từ
bỏ ý định gia nhập NATO và chấp nhận "thực tế mới" về 4 khu vực mà
Nga đã sáp nhập gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk.
Các chuyên gia tại
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tin rằng 2025 sẽ là thời điểm
quyết định đối với cuộc xung đột, khi cả Nga và Ukraine đều đang chịu áp lực
lớn về kinh tế và quân sự sau ba năm đối đầu, thúc đẩy bước đột phá trên thực
địa để chấm dứt giao tranh.
5. Ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5
Tổng
thống Nga Vladimir Putin giành chiến thắng gần như tuyệt đối trong cuộc bầu cử
hồi tháng 3 và đắc cử nhiệm kỳ thứ 5, trở thành người lãnh đạo Nga trong 6 năm tới.
Chiến thắng này rất quan trọng, bởi nó giúp ông Putin củng cố vững chắc vị thế
trên chính trường Nga, đồng thời khuếch đại thông điệp cứng rắn của mình với
phương Tây.
Theo hiến
pháp Nga sửa đổi năm 2021, Tổng thống Putin về lý thuyết có thể tiếp tục tranh
cử thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa, cho phép ông tại nhiệm đến năm 2036. Việc tái
đắc cử và viễn cảnh nắm quyền thêm 12 năm nữa tạo điều kiện cho ông Putin, 71
tuổi, có nhiều thời gian hơn để thực thi các cam kết và chương trình hành động
của mình và củng cố di sản chính trị mà ông đã xây dựng trong gần 25 năm qua.
Với vai trò lãnh đạo
một cường quốc đối trọng với phương Tây, mọi hành động của Tổng thống Putin đều
sẽ tác động mạnh mẽ tới bàn cờ địa chính trị thế giới. Những gì ông làm năm qua
được cho là chỉ báo sớm về những mục tiêu mà ông chủ Điện Kremlin hướng tới
trong cả nhiệm kỳ.
Trong khi
tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin đang chỉ đạo thực hiện
những bước chuyển đổi quan trọng nhằm tái cấu trúc đất nước thành xã hội thời
chiến và xem phương Tây là kẻ thù trực tiếp đe dọa đến tồn vong của nước Nga.
Dưới sự
lãnh đạo của ông, với các quyết sách chi tiêu khổng lồ cho quân sự, kinh tế Nga
tăng trưởng 3,6% vào năm 2023 và đang trên đà tăng trưởng 3,2% vào năm 2024,
bất chấp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây, theo Quỹ Tiền tệ
Quốc tế (IMF). Ngân sách quốc phòng Nga giai đoạn 2025-2027 đạt mức kỷ lục 126
tỷ USD, tương đương hơn 30% tổng ngân sách quốc gia.
Về đối
ngoại, bên cạnh việc thắt chặt quan hệ với các đồng minh như Trung Quốc, Iran
hay Triều Tiên, Tổng thống Putin còn cho thấy quyết tâm đối đầu phương Tây.
Điều đó được thể hiện rõ nhất qua việc duyệt học thuyết hạt nhân mới, hạ thấp
đáng kể ngưỡng kích hoạt vũ khí nguyên tử, tăng thêm khả năng răn đe của Nga
với phương Tây và Ukraine trong bối cảnh xung đột vẫn căng thẳng.
Theo Angela Stent,
chuyên gia từ Viện Brookings, Mỹ, việc Tổng thống Putin tái đắc cử đã định hình
hướng đi cho nước Nga trong hàng chục năm tiếp theo, trong đó quan hệ giữa
Moskva và phương Tây sẽ không thể quay lại như trước đây mà sẽ tiếp tục
"căng thẳng trong tầm kiểm soát". Điều này sẽ tiếp tục diễn ra ngay
cả khi xung đột Ukraine được đóng băng hay chấm dứt.
6. Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật
Khi năm 2024 chuẩn bị khép lại, Tổng
thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khiến cả đất nước và thế giới bị sốc khi bất ngờ
ban bố thiết quân luật đêm 3/12, điều các đơn vị đặc nhiệm tới bao vây tòa nhà
quốc hội, ra lệnh cấm các hoạt động chính trị và kiểm soát phương tiện truyền
thông.
Lệnh thiết quân luật lập tức đẩy Hàn
Quốc, một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á, vào hỗn loạn, làm dấy lên
nỗi lo về quá khứ quân phiệt mà người Hàn không bao giờ muốn quay lại. Các nghị
sĩ đã nhanh chóng tới nhà quốc hội để triệu tập phiên họp khẩn thông qua nghị
quyết bãi bỏ thiết quân luật, với niềm tin rằng họ là lá chắn cuối cùng để bảo
vệ nền dân chủ Hàn Quốc.
Bất chấp sự ngăn cản của quân đội,
các nghị sĩ thông qua được nghị quyết lúc rạng sáng 4/12, kết thúc lệnh thiết
quân luật. Dù chỉ tồn tại trong 6 giờ, lệnh thiết quân luật của ông Yoon đã gây
ra nhiều hệ lụy với Hàn Quốc và cả khu vực.
Dù Tổng thống Yoon
lên tiếng xin lỗi, quốc hội Hàn Quốc vẫn quyết tâm luận tội ông và thành công
trong lần bỏ phiếu thứ hai, khiến ông bị đình chỉ chức vụ và phải trao lại
quyền lực cho Thủ tướng Han Duck-soo, người trở thành quyền Tổng thống. Hàng
loạt tướng lĩnh Hàn Quốc cũng bị bắt và điều tra với cáo buộc nổi loạn liên
quan thiết quân luật.
Bản thân
ông Yoon cũng bị cấm xuất cảnh và bị nhiều bên điều tra cùng lúc, trong lúc chờ
Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết về số phận chính trị của ông. Ông và một số
cộng sự thân cận có thể đối mặt án tù chung thân hoặc thậm chí án tử hình nếu
bị kết tội.
Việc Tổng thống Yoon
bị đình chỉ chức vụ đã đẩy chính trường Hàn Quốc vào cảnh rối ren, khi phe đối
lập ngày 27/12 tiếp tục luận tội quyền Tổng thống Han Duck-soo, cáo buộc ông
kích động nổi loạn và là một trong những "thủ phạm chính" gây ảnh
hưởng đến tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon. Ông Han là Thủ tướng, quyền
Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc bị luận tội. Theo Cơ quan Điều tra
Quốc gia của cảnh sát Hàn Quốc ngày 30/12, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi
Sang-mok đã bị điều tra sau khi nhận nhiệm vụ chỉ 3 ngày. Trang tin Guancha (Nhà quan sát)
cho biết các đoàn thể dân cư đã tố cáo ông Choi Sang-mok và những người khác
lên kế hoạch, tham gia và hỗ trợ thực hiện gây bạo loạn, lạm dụng chức quyền,
lơ là nhiệm vụ và vi phạm Đạo luật Tình báo Quốc gia. Hiện ông Choi và một số người khác đã bị cảnh
sát điều tra. Chiều ngày 27/12, sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồ sơ luận tội Thủ tướng đồng thời
là Tổng thống tạm quyền Han Duck-soo, ông Choi Sang-mok, người đang giữ chức
Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế và Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn
Quốc, được giao đảm nhận vai trò quyền tổng thống. Như vậy, chỉ mới 3 ngày kể
từ khi tiếp quản vai trò quyền tổng thống từ Thủ tướng Han Duck-soo, ông Choi
Sang-mok cũng đã bị điều tra.
Ảnh hưởng của lệnh thiết quân luật
không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Giới quan sát cho rằng những bất đồng, chia rẽ
trong chính giới Hàn Quốc có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác với đồng
minh Mỹ. Niềm tin chiến lược giữa hai bên có thể suy giảm, khi ông Yoon và quân
đội Hàn Quốc đã không thông báo cho phía Mỹ về lệnh thiết quân luật, khiến lực
lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc không biết các đối tác đang điều quân tới đâu vào
đêm 3/12.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul
thừa nhận bất ổn chính trị ở nước này đã làm gián đoạn nỗ lực ngoại giao vào
thời điểm họ rất cần củng cố quan hệ với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông
Trump từng phàn nàn về việc tại sao Mỹ phải chi nhiều tiền để bảo vệ những quốc
gia xa xôi như Hàn Quốc.
Một doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư
hàng tỷ USD vào Mỹ cho hay họ đang bị mắc kẹt với chủ nghĩa bảo hộ thương mại
của ông Trump, trong khi không ai trong chính phủ Hàn Quốc đứng ra bảo vệ lợi
ích của họ vào thời điểm cần thiết nhất.
7. Loạt doanh nghiệp toàn cầu sa thải
nhân sự, phá sản
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá
kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, xung đột bùng phát ở
nhiều nơi khiến kinh tế các nước chưa cải thiện rõ rệt, lợi nhuận giảm, cạnh
tranh tăng và sự xuất hiện của AI đã thổi bùng làn sóng sa thải. Các doanh
nghiệp ngành công nghệ như Intel hồi tháng 8 thông báo sẽ cắt giảm 17.500 lao
động, tương đương hơn 15% nhân sự, để đẩy mạnh tái cấu trúc. Dell muốn sa thải
12.000 nhân viên, trong khi Cisco muốn giảm 6.000 lao động.
Gã khổng lồ in ấn và
sao chụp Xerox, công ty âm nhạc Universal Music Group, tập đoàn quản lý tài sản
BlackRock và cả đại gia kinh doanh nông sản Cargill năm nay đều đã công bố kế
hoạch sa thải. Về cuối năm, hàng loạt tập đoàn lớn khác cũng lên tiếng về ý
định này, như Boeing, Bosch, Volkswagen hay Thyssenkrupp Steel.
Khó khăn kinh tế toàn cầu năm nay còn
thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản, khi việc kinh
doanh gặp nhiều thách thức do lãi suất cao, lạm phát tăng và người tiêu dùng
thay đổi thói quen mua sắm. Trong 9 tháng đầu năm, số đơn xin bảo hộ phá sản
tại Mỹ tăng 16,2% so với năm ngoái. Tại châu Âu, số đơn xin phá sản trong quý
III tăng 2,7% so với quý trước đó.
Một số cái tên nổi bật trong làn sóng
phá sản tại Mỹ là chi nhánh của hãng mỹ phẩm The Body Shop, chuỗi nhà hàng hải
sản lớn nhất thế giới Red Lobster, hãng xe điện Fisker, hãng bán lẻ đồ điện tử
và nội thất Conn’s HomePlus, hãng bán lẻ Big Lots, công ty đồ gia dụng Tupperware
và hãng bay giá rẻ Spirit Airlines.
Tại châu Âu, hãng thời trang Esprit
năm nay nộp đơn xin phá sản với các chi nhánh ở Đức, Bỉ và Thụy Sĩ. Tháng
trước, Gerhardi Kunststofftechnik, công ty 228 tuổi chuyên cung cấp linh kiện
cho Mercedes-Benz, cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ở Trung Quốc, hai công ty con của
hãng xe điện China Evergrande New Energy Vehicle (Evergrande NEV) hồi tháng 8
thông báo sẽ tiến hành quy trình phá sản để tái cơ cấu theo yêu cầu của chủ nợ.
Một chi nhánh của hãng sản xuất pin mặt trời Zhejiang Akcome New Energy
Technology (Trung Quốc) cũng tuyên bố phá sản đầu năm nay do không thể trả nợ.
Kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo
còn gặp nhiều thách thức hơn, khi xung đột tại Trung Đông và Đông Âu chưa chấm
dứt và rủi ro chủ nghĩa bảo hộ tăng lên khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng
thống Mỹ. Trong bối cảnh đó, Alvaro Santos Pereira, nhà kinh tế trưởng của Tổ
chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng "cải tổ nhằm mở cửa thị
trường và tạo ra các động lực cạnh tranh lành mạnh vẫn là chìa khóa để hồi sinh
tăng trưởng" cho các doanh nghiệp toàn cầu.
8. Elon Musk thử nghiệm công nghệ "đũa gắp" tên lửa
Starship
Năm 2024 ghi nhận nhiều thành công
của các chương trình vũ trụ, trong đó có màn bắt tên lửa Starship bằng
"đũa" ngoạn mục của công ty hàng không vũ trụ Mỹ SpaceX, mở ra cánh
cửa mới cho tham vọng đưa người lên sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk, CEO SpaceX.
Tên lửa tái sử dụng này gồm tầng đẩy
Super Heavy bên dưới và tàu vũ trụ Starship bên trên. Với chiều cao hơn 120 m
và khả năng tạo ra lực đẩy khoảng 8.000 tấn khi phóng, đây là tên lửa lớn nhất
và mạnh nhất từng được chế tạo trên thế giới.
Đây
được coi là sự kiện lịch sử với ngành hàng không vũ trụ, giúp hiện thực hóa
những chuyến bay xa và dài ngày trong không gian với chi phí ngày càng rẻ. Musk
tin rằng trong tương lai, cánh tay đũa có thể nhanh chóng đưa tên lửa trở lại
bệ phóng, cho phép nó có thể được tiếp nhiên liệu và cất cánh lần nữa chỉ trong
vòng 30 phút sau khi hạ cánh.
Với sức chở lớn và khả năng tái sử dụng nhanh, Starship sẽ
giúp giảm đáng kể chi phí phóng, từ 2.300 USD/kg hàng hóa lên quỹ đạo hiện nay
(với tên lửa Falcon 9) xuống còn 100 USD. Hàng hóa như vệ tinh cũng ít bị giới
hạn về khối lượng và kích thước.
Điều này giúp việc xây dựng những mạng lưới vệ tinh lớn sẽ
nhanh hơn, tăng đáng kể dịch vụ dữ liệu không gian. Starship cũng khiến việc
bay lên vũ trụ trở nên rẻ hơn với mọi người, giúp ngành hàng không vũ trụ phát
triển đột phá.
Musk hy vọng rằng trong hai năm tới, những chuyến tàu
Starship đầu tiên không mang theo con người sẽ được phóng và hạ cánh ở sao Hỏa,
tạo tiền đề để chuyến bay chở người đầu tiên đến hành tinh này sẽ diễn ra trong
4 năm tiếp theo.
Từ đó, tốc độ chuyến bay sẽ tăng nhanh chóng với mục tiêu
xây dựng một thành phố tự cung tự cấp trong khoảng 20 năm, hướng tới xây dựng
cộng đồng một triệu dân cư trên sao Hỏa, biến con người trở thành loài đa hành
tinh.
Kỳ vọng vào thế giới tươi đẹp hơn. Sau những biến
động, rối ren của năm 2024, Giáo hoàng Francis ngày 28/12 kỳ vọng thế giới
trong năm mới sẽ "hòa bình, tràn đầy tình hữu nghị và lòng biết ơn",
kêu gọi mọi người không từ bỏ niềm hy vọng và sự tử tế.
"Chiến tranh,
bất bình đẳng xã hội và nhiều hình thức bạo lực khác mà chúng ta đã chứng kiến
mỗi ngày qua sẽ không khiến chúng ta nản lòng hay bi quan", Giáo hoàng
nói. "Dù không biết ngày mai sẽ ra sao, chúng ta đừng bao giờ nhìn vào
tương lai với sự chán nản và thoái chí. Thế giới tràn đầy niềm hy vọng và sự tử
tế sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn".
0 comments:
Đăng nhận xét