Năm 2022 đang
dần khép lại với nhiều dấu ấn đáng nhớ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, văn
hóa, xã hội, thể thao và du lịch. Sau đây là Top những sự kiện nổi bật Việt Nam
năm 2022.
1. Trung ương ban hành Nghị quyết về lĩnh vực
kinh tế
Sáng 3/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội
Hội nghị Trung
ương lần thứ 6 (khoá XIII) họp từ ngày 3-9/10/2022 đã thống nhất nhiều nội dung
quan trọng và đã ban hành 1 nghị quyết, 1 kết luận về lĩnh vực kinh tế.
Nghị quyết số
29-NQ/TW nhấn mạnh đến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về
công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
của Việt Nam giai đoạn 2011-2020; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tầm nhìn và các
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng đã đề ra
10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy,
nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn,
khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian
qua.
Kết luận số
45-KL/TW được ban hành nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh
thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động
lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững góp phần đạt được các mục
tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
đã đề ra. Kết luận được ban hành cũng là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống
quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần
kinh tế trong và ngoài nước. Kết luận cũng đã xác định những, ngành, lĩnh vực cần
tập trung ưu tiên, đó là: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia;
tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng
bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí
hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực
có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành
các “đầu tàu” lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các
hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển,
cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực
tăng trưởng.
2. Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết về
phát triển 6 Vùng chiến lược
TP. Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh
Trong năm
2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045.
Đại hội toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang
phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước
ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại hội cũng định hướng phát triển
Vùng theo hướng: Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi
vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị,
nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia
vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...
Cụ thể hoá chủ
trương của Đảng, trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị
quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông
Cửu Long; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải
Trung Bộ; và Vùng đồng bằng sông Hồng.
3. Quốc hội ban hành Nghị quyết về Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Nghị quyết số
68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Quốc hội
thông qua vào ngày 10/11/2022 với 465/466 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết
tán thành. Nghị quyết quyết nghị tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ
mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền
kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.
Nghị quyết
cũng yêu cầu cần đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự
chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu
quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,
03 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh,
chuyển đổi số. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung
xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo
điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng
khoa học công nghệ. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất
là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo
môi trường kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai,
tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến
đổi khí hậu. Đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển và củng cố, nâng
cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
4. Tốc độ tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề
ra
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, vượt chỉ tiêu đề ra
Số liệu do Tổng
cục Thống kê công bố ngày 29/12/2022 cho thấy, ước tính GDP năm 2022 của Việt
Nam tăng 8,02% so với năm 2021 - vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), đây là mức
tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Kinh tế – xã hội
nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với
những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát
đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt
chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn,
xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,
mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an
ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Mặc dù, dự báo
gần đây nhất về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được các tổ chức quốc tế
điều chỉnh tăng so với các dự báo đưa ra trong quý III/2022, nhưng đều ở mức thấp
hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển
kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn
2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi
chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa
và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các
nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết
số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Nhờ đó, nền
kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm
soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp
phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng,
ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
5. Thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án
giao thông trọng điểm
Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành
Đầu tháng
1/2022, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần đường bộ
cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí lên tới 146.990 tỷ đồng.
Với kế hoạch xây mới 729 km, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.000 km từ
Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được hoàn thiện.
12 dự án này
có tổng kinh phí lên tới 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, giải phóng
mặt bằng quy mô 6 làn xe, trong đó giai đoạn 1 làm 4 làn xe; riêng đoạn Cần Thơ
- Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có quy mô 4 làn xe. Mục tiêu đặt ra sẽ hoàn
thành xây dựng vào năm 2025 để đưa vào khai thác từ năm 2026.
Triển khai chủ
trương này của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đầu tư 12 dự
án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đánh dấu
chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, chuyển sang giai đoạn thực
hiện. Đến nay, các khâu thiết kế, thẩm tra, báo cáo khả thi, bàn giao mốc giải
phóng mặt bằng tất cả 12 dự án thành phần đã hoàn thành.
6. Khánh thành cống thủy lợi lớn nhất Việt
Nam
Công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang
Được mệnh danh
là “siêu cống” lớn nhất Việt Nam, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn
1 đã chính thức khánh thành vào ngày 5/3/2022 tại tỉnh Kiên Giang; vùng hưởng lợi
có diện tích tự nhiên lên tới 384.120ha thuộc 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà
Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Dự án được xây
dựng tại huyện An Biên và Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) theo Nghị quyết
120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu
Long và quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án này có tổng
vốn đầu tư lên tới hơn 3.300 tỉ đồng, gồm nhiều công trình như các cống Cái Lớn,
Cái Bé, Xẻo Rô, đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với quốc lộ 61, 8 cống hở dọc tuyến
đê biển An Biên - An Minh, hệ thống quan trắc, giám sát tự động và đặc biệt còn
có hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh
Kiên Giang. Trong cụm các công trình này, cống Cái Lớn có quy mô lớn nhất: rộng
455m với 11 cửa (mỗi cửa rộng 40m) và 2 âu thuyền (mỗi âu rộng 15m). Toàn bộ dự
án này được khởi công từ tháng 10/2019 và đã hoàn thành cơ bản, đưa vào vận
hành từ cuối năm 2021.
Dự án được thực
hiện nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất bền vững đối với các mô
hình sản xuất theo hệsinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng
lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha thuộc 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà
Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản
là 346.241ha. Ngoài ra, cụm công trình này còn kết hợp với tuyến đê Biển Tây tạo
thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng,
phòng chống thiên tai.
7. Năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu
Trong năm 2022, giá xăng có thời điểm vượt 30.000 đồng, tình trạng khan
hiếm cục bộ xảy ra tại một số địa phương
Trước tác động
từ diễn biến phức tạp trên thị trường dầu mỏ thế giới, năm 2022 được coi là năm
“dị biệt” của thị trường xăng dầu Việt Nam, khi trong một số tháng của nửa cuối
năm xuất hiện nhiều cây xăng tại nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt đóng
cửa hoặc bán với số lượng nhỏ.
Về vấn đề này,
theo Bộ Công Thương, do nguồn cung xăng, dầu thế giới ngày càng khan hiếm, châu
Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng hoạt động mua xăng dầu từ các nguồn cung
chính là OPEC+ và Nga; tỷ giá ngoại tệ để có thể nhập khẩu được xăng, dầu như
USD và Euro liên tục thay đổi theo hướng đều tăng. Bộ Công Thương cho rằng, đây
là những khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra, việc tiếp cận vốn ngoại
tệ để được bảo lãnh nhập khẩu, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối
và thương nhân phân phối không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của
các ngân hàng; đó cũng là một nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng “đứt gãy cục
bộ” nguồn cung xăng dầu ở một số nơi, nhất là những thành phố lớn tập trung
đông dân cư.
Xăng dầu là mặt
hàng chiến lược, quan trọng, nên việc “đứt gãy cục bộ” nguồn cung xăng dầu đã
tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh
nghiệp, người dân ở nhiều địa phương.
8. Kinh tế số tăng trưởng ấn tượng
Doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD
Theo Báo cáo
thường niên “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain
& Company thực hiện và công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng
trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng
28%, đạt mức 23 tỷ USD trong năm 2022. Đóng góp cho tốc độ tăng trưởng nhanh
này là sự phát triển ấn tượng của thương mại điện tử với mức tăng 26% so với
cùng kỳ năm 2021.
Về doanh thu,
theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của ngành kinh tế số
năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021.
Về thương mại
điện tử, theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử của Việt Nam xếp
thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt
chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử
bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ
tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, Việt Nam được
eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng
đầu thế giới.
9. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA
Games 31
Mặc dù quá
trình chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều
khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình thế giới biến động
phức tạp, song với nỗ lực không ngừng và sự phối hợp đồng bộ, trên tinh thần
trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Việt Nam đã hoàn thành
công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 trong một thời gian ngắn, trên tinh thần
triệt để tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định,
thông lệ quốc tế,được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt tại Đại
hội này, đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn, với
tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền
kinh, Cử tạ, đặc biệt đã bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn
Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.
10. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt
Nam tham dự World Cup 2023
Năm 2022 những cô gái "Kim cương" trong đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã hoàn
thành giấc mơ World Cup cho bóng đá nữ nước nhà.
Ngoài việc bảo
vệ thành công tấm HCV tại SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn gây
được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé chính thức tham
dự Vòng chung kết World Cup 2023. Đây là chiến tích lịch sử của tuyển nữ Việt
Nam, sau biết bao cố gắng, nỗ lực. “Những cô gái kim cương” đã hoàn thành giấc
mơ World Cup cho bóng đá nữ nước nhà.
11. Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt
110 triệu lượt khách năm 2022
Khách du lịch chinh phục đỉnh Fansipan.
Năm 2022,
ngành Du lịch Việt Nam và toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việt
Nam chính thức mở cửa du lịch từ 15/3/2022, mặc dù du lịch quốc tế vẫn còn chưa
được như mong muốn nhưng vượt qua mọi khó khăn thách thức, du lịch nội địa lại
phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách, vượt qua tất cả các dự báo,
tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số
85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch). Sự tăng trưởng
thần kỳ của thị trường du lịch nội địa sau dịch COVID-19 là một điểm sáng, cứu
cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển
chung của ngành Du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở
phạm vi toàn cầu.
12. Thành tựu nổi bật trên mặt trận đối ngoại
2022 là năm nhộn
nhịp của đối ngoại Việt Nam, sau hai năm bị gián đoạn hoặc phải chuyển sang
hình thức trực tuyến vì COVID-19. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10, khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại
hội Đảng XX có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các chuyến thăm của Chủ tịch nước
Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, dự Cấp cao APEC. Thủ tướng
Phạm Minh Chính đến Mỹ, Campuchia, châu Âu, dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội
nghị liên quan Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Lào, Philippines, Úc và
New Zealand… tiếp tục củng cố vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở chiều ngược
lại, nhiều lãnh đạo và đoàn cấp cao của các nước và đối tác từ các khu vực khác
nhau đã đến Việt Nam trong năm nay, như Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand, Ấn
Độ, Đức, Nigeria, Singapore, Uganda… cùng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio
Gueterres. Bên cạnh đó là các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị cấp cao đa phương
khu vực và thế giới.
Điểm nhấn hoạt
động đối ngoại của Việt Nam năm 2022 là tập trung tranh thủ nguồn lực cho phục
hồi và phát triển, trong đó có việc kết nối lại giao thương và các chuỗi cung ứng;
tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước, thực hiện những
nhiệm vụ đối ngoại đề ra tại Đại hội Đảng XIII.
13. Khống chế hiệu quả đại dịch COVID-19
Đây được coi
là thành công ấn tượng nhất trong năm 2022 của toàn dân và hệ thống chính trị
nói chung, ngành Y nói riêng. Tháng 10 năm 2021 Chính phủ xác định chuyển hướng
chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu
quả dịch COVID-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người
dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do
COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an
toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình
thường mới.
Lúc này với điều
kiện đã mở cửa, cho phép du lịch, hàng không, học trực tiếp... trở lại, số mắc
mới gia tăng. Tháng 3/2022 là thời điểm cả nước liên tục ghi nhận hàng chục
ngàn ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Cùng với đó các bệnh viện điều trị bệnh nhân
COVID-19 đều quá tải, chỉ tiếp nhận ca bệnh rất nặng, số ca tử vong tăng liên tục.
Nhưng bằng
kinh nghiệm chống dịch trong thời gian dài cộng với tỉ lệ tiêm vắc xin phòng
COVID-19 cao và hiệu quả, biến chủng mới làm ca mắc tăng nhanh nhưng tỉ lệ ca nặng
giảm đã giúp khống chế dịch một cách tốt nhất. Hiện nay số mắc mới COVID-19 dao
động trên dưới 200 ca/ngày, số ca tử vong thấp, cuộc sống hoàn toàn trở lại
bình thường.
Tuy nhiên, sau
những tháng ngày chống COVID-19 khốc liệt chưa từng có, ngành y tế năm 2022 ngổn
ngang khó khăn, thách thức. Nổi cộm là vấn đề thiếu thuốc, vật tư. Số liệu thống
kê giữa năm cho thấy, 82% cơ sở y tế và 57% bệnh viện trung ương thiếu thuốc. Vật
tư tiêu hao, hóa chất…
14. Ðổ vỡ trái phiếu, bất động sản đóng
băng, đứt gãy nguồn cung xăng dầu
2022 là năm đầy
biến động của kinh tế Việt Nam khi những vấn đề nội tại phát sinh kéo theo sự
‘đứt gãy’ của nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực bất động sản đối mặt hàng loạt khó khăn
xuất phát từ việc thị trường đóng băng trong bối cảnh ngân hàng siết tín dụng,
nguốn vồn từ phát hành trái phiếu bị tắc, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động
sản lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vướng vòng lao lý. Điểm bất thường,
dù đối mặt khó khăn, giá bất động sản lại tăng bất thường trong năm 2022 với mức
tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tăng đến 100%.
Chứng khoán Việt
Nam cũng trải qua năm 2022 đầy sóng gió khi VN-Index giảm khoảng 30% so với cuối
năm 2021, có lúc chạm đáy 874 điểm. Thanh khoản cũng giảm mạnh, chứng khoán
trong nước nhiều lần là thị trường có chỉ số đại diện đội sổ trên bảng xếp hạng
toàn cầu. Nhiều cổ phiếu chia 2-3 lần thị giá từ đỉnh xuất phát từ các thông
tin tiêu cực về thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tình trạng lộn
xộn trong cấp phép, kinh doanh xăng dầu cũng bộc lộ những yếu điểm gây tác động
lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc khi
tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp ở các tỉnh,
thành phố.
15. Chống tham nhũng, tiêu cực đi vào chiều
sâu, nhiều quan chức cấp cao, đại gia “dính” đại án
Năm 2022, việc
có hàng chục quan chức cấp cao, đại gia đã bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử
trong các vụ đại án về kinh tế, tham nhũng cho thấy sự quyết tâm chống ‘giặc nội
xâm’ của cả hệ thống chính trị.
Đại
án Việt Á: Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố bắt tạm giam ông Nguyễn
Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế); ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội,
cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN); Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN); ông
Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về các tội danh: “Vi phạm quy định về quản
lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “Lợi dụng chức vụ, quyền
hạn trong khi thi hành công vụ”.
Vụ án
“Chuyến bay giải cứu”: CQĐT đã khởi tố tổng cộng 32 bị can trong vụ
này. Trong đó, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn
Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bị khởi tố, tạm giam về
tội "Nhận hối lộ".
Vụ án
Chủ tịch FLC, Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát liên quan chứng khoán, bất
động sản và trái phiếu. Ngày 29/3/2022, Cơ quan CSĐT khởi tố bị can với ông Trịnh
Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng
khoán, thu lợi bất chính 530 tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh
Dũng (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và 6 người khác bị khởi tố. Tài sản
mà họ đã chiếm đoạt trái phép khoảng 8.000 tỷ đồng.
Ngày 7/10, bà
Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 3 đồng phạm bị khởi tố
để điều tra vì có hành vi gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm
đoạt hàng nghìn tỷ đồng của dân.
* Sáng 21/12,
TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV
Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC). Loạt quan chức tỉnh
Đồng Nai và AIC phải hầu tòa.
16. Mạnh tay “quét rác phát ngôn” trên mạng
xã hội
Năm 2022, nhiều
người nổi tiếng đã bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự vì có bình
luận, phát ngôn không chuẩn mực, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của tổ chức
cá nhân trên mạng xã hội. Điển hình, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt
tạm giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà
nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo Điều 331 Bộ luật
hình sự. Ba người giúp sức cho bà Phương Hằng thực hiện các buổi livestream có
phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cũng như nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh
dự của nhiều nghệ sĩ cũng bị tạm giam.
Vào đầu tháng
9/2022, N.T.T.L - một nữ streamer nổi tiếng đã bị Công an tỉnh Thái Bình xử phạt
10 triệu đồng vì phát ngôn "vạ miệng", xúc phạm đến uy tín, hình ảnh
của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với ngôn từ kỳ thị đối với người bị hói tóc.
Việc mạnh tay
“quét rác phát ngôn” trên mạng xã hội của cơ quan chức năng là hồi chuông cảnh
tỉnh đối với người dùng mạng xã hội trước lằn ranh “tự do ngôn luận” và hành vi
vi phạm pháp luật.